Mới Cập Nhật :

TÔI: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG

Friday, February 10, 2012


TÔI: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG

A-Ki – Trần Duy Nhiên

Tôi bước vào đời với một giấy thế vì khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi fils de parents inconnus, ‘con của cha mẹ vô danh’. Lần đầu tiên tôi biết họ tên mình đúng như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào trung học. Trước đó, người ta gọi tôi là A-Ki. Đến bây giờ tôi không biết vì sao tôi có cái tên đó, phải chăng vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất xứ từ đâu nên hỏi là ‘À Qui’?
Tôi tôi lớn lên trong vòng tay của các Nữ Tử Bác Ái và các cha thừa sai dòng thánh Vincent de Paul. Các cha mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình thương vô vị lợi đến độ tôi thấy mình hụt hẫng, bởi lẽ suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình yêu ‘bình thường’ nào như bao nhiêu bạn bè cùng lớp cùng trường. Thế nên khi tôi 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn và làm tất cả mọi sự đi ngược lại với tất cả mong ước của quí vị. Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình trạng tứ cố vô thân.
Tôi thi vào Đại Học Sư Phạm Pháp Văn vì đó là nơi để tôi trốn lính, được hưởng học bỗng, mà lại khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh từng đứng nhất lớp về môn Pháp Văn khi còn ở một trường trung học công lập Pháp ở DL. Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được những ân huệ mình đã được nhận, mà chỉ oán trách cuộc đời vì mình luôn ở vị thế thua thiệt so với những người chung quanh. Tình yêu thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy bỗng trở nên một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi chống lại Người. Tôi không thể chấp nhận một người Cha toàn năng và yêu thương vô cùng’ lại đối xử với tôi một cách bất công như thế, và tôi oán hận Người.
Tôi ngang nhiên lăn vào đời sống tội lỗi một phần vì buồn chán và một phần như một hành động thách thức Thiên Chúa. Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết rằng trong 10 giới răn, tôi không chừa một giới răn nào. May ra là điều răn thứ năm: chớ giết người. Mà tôi cũng không chắc nữa: có thể tôi cũng đã vô tình giết đi một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái nào đó từng liên hệ với tôi… Càng lao vào tội lỗi, tôi càng thấy mình kiệt quệ vừa thể xác về tinh thần, rồi đối diện với một lỗ trống ghê rợn. Để lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này tôi cần có một người bên cạnh.
Tôi lập gia đình như một hành động chạy trốn, khi đang học năm cuối cùng đại học. Trong 7 cô gái tôi cùng liên hệ một lúc, tôi chọn người mà mình chỉ mới quen được hai tháng. Cô ấy là thanh niên gia đình Phật Tử từng đi biểu tình chống ông Diệm đàn áp Phật Giáo. Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến bí tích hôn nhân. Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu rồi. Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác. Thay vì tìm được lối thoát, tôi thấy mình vào một ngục tù ngộp thở hơn. Vì lớn lên cạnh những người quá vô vị lợi, nên tôi trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết nghĩ đến hy sinh. Vợ tôi có mang, tôi trả về cho gia đình cô ấy lo mọi sự… Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì. Rồi tôi ra trường và chọn về CT, trong khi vợ tôi vẫn còn ở DL. Thỉnh thoảng cô xuống với tôi vài tháng. Tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là phiền hà… Nhưng tôi quá mệt mỏi nên cũng không hề nghĩ đến chuyện ly dị. Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh, nhưng thuở ấy tôi không bao giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương mình.
Là một giáo sư, tôi không thể nào sống xô bồ như thời còn sinh viên. Tôi phải chọn một nơi vui chơi mà vẫn giữ được ‘tư cách’. Tôi tuyên bố mình là người công giáo và đến sinh hoạt trong nhóm sinh viên công giáo. Vị tuyên úy sinh viên công giáo CT; lúc bấy giờ là cha ADH. Vào thời ấy, cha là một linh mục trẻ, vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân kinh thánh ở nước ngoài về, thế nên cha vừa cởi mở vừa sâu sắc. Cha đến CT với dự định thành lập tại đấy một trung tâm cho những trí thức công giáo tương lai, như cha Pineau đã thực hiện tại Câu lạc bộ Phục Hưng,44 Thévénet (Tú Xương hiện nay) Sàigon, vào thập niên 50.
Đi với bụt thì mặc áo cà sa. Đi với sinh viên công giáo thì đọc Sách Thánh. Ngoài những giờ vui chơi ‘lành mạnh’ tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm. Tôi cũng đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội... Chúa đối với tôi là một trò đùa... Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bấc trong cuộc đời và đặt nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi: dù tôi có lăn lộn thế nào giữa đám đông, thì nỗi cô đơn của tôi cũng làm tôi ngộp thở từng giây từng phút. Không ít lần tôi đã nghĩ đến một phương thức tự tử êm ái.
Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy qua, tôi nghe đọc sự Thương Khó Chúa Giêsu… Khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con”, tôi bỗng rùng mình. Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Đêm cô đơn ở Giêtsêmani, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên núi Sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh… tất cả. Và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.
Hôm đó là lần đầu tiên tôi về nhà tự ý mở Phúc âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên. Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của một người bạn mà tôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Luca về giây phút cuối cùng, tôi không còn hiểu gì nữa. Luca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Tôi không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin tưởng và phó thác vào Cha mình.
Tôi đến trao đổi với cha ADH. Cha lắng nghe thật lâu mà không nói tiếng nào. Cuối cùng cha đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Luca: đoạn ‘Người con hoang đàng’. Tôi hiểu ý cha và bảo rằng tôi không muốn xưng tội vì không biết phải xưng thế nào… tội tôi nhiều quá. Cha bảo: Anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ. Rồi Cha quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu thánh giá. Bầu trời như sụp đổ. Không còn một linh mục khuyên nhủ đứa ‘con hoang đàng’ mà chỉ còn Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi. Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi. Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: “Lạy Cha xin Cha tha tội cho con.. ”. Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng… Nước mắt cứ chực trào. Lâu thật lâu, tôi nghe: “Cha tha tội cho con.. ” và tôi oà lên khóc… Kể từ ngày có trí khôn không bao giờ tôi khóc, tôi ghét cái sướt mướt đàn bà, hèn! Thế mà hôm đó tôi đã oà khóc như một đứa con nít…
Và quả thật, kể từ ngày đó tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay Cha trên trời, Đấng đã yêu tôi đến độ cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài. Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi. Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng đã trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi…
Tôi kể lại cuộc đời mình theo lời đề nghị của một linh mục luôn thao thức gởi những chứng tích của Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho từng người. Tôi viết lại đây theo đức vâng lời, vì tôi nghĩ đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa.
Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, ấy không phải vì cuộc đời tôi có gì đáng nghe hơn một ai khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại.
Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng, tội lỗi như tôi trước đây: Bạn từng nghe rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi người, để Người có thể mặc lấy cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang đàng... Sai rồi! Đấy chỉ là câu chuyện trong dụ ngôn! Nhưng trong thực tế cuộc đời, Chúa không hề đợi bạn trở về. Người vẫn theo sát bạn, quì dưới chân bạn mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho Người, bởi vì Người đã xúc phạm bạn khi yêu thương bạn bất chấp mọi vết nhơ mà bạn đã tạo ra cho tâm hồn mình.
Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa quì dưới chân bạn từ lâu để khẩn cầu. Xin bạn hãy thương xót Người. Bạn nỡ lòng nào…
  
Thử Tìm Một Hướng Đi
Cho Linh Đạo Giáo Dân Thời Hiện Đại
Khổng Nhuận
Maranatha số 11 quả là tuyệt vời khi giới thiệu cho độc giả một mẩu chuyện thú vị : Tôi, người con hoang đàng’ của tác giả A-Ki.
Theo tôi, đây là một bài viết đáp ứng được những tiêu chuẩn mà tác giả Duy Nhiên đã phác thảo. Có thể nói, bài viết này là một minh họa sống động cho Linh đạo Giáo dân.

 MẨU CHUYỆN ĐỜI MÌNH
Qua bài này, tôi dễ dàng cảm nhận được mối tương giao mật thiết giữa A-Ki với Thiên Chúa.
Tôi xin được phép dẫn chứng:
·        A-Ki ra đời dưới một ngôi sao xấu: bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi vào đời. Càng lớn, lòng oán ghét Thiên Chúa ngày càng chất ngất thành những núi thù và những rừng hận, đơn giản cho vì:
Tôi không thể chấp nhận một người Cha ‘toàn năng và yêu thương vô cùng’ lại đối xử với tôi một cách bất công như thế, và tôi oán hận Người.
·          Cho tới ngày thù hận chín mùi, Chúa đã mời gọi A-Ki ngay trong ngày thứ Sáu tuần thánh bằng một tiếng kêu não ruột, thất vọng tràn bờ…
Khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con”,
·        Lập tức người con hoang A-ki rúng động tâm can, vì A-Ki không ngờ vị Thiên Chúa mà bấy lâu nay mình nuôi ngọn lửa hận thù rực nóng trong tim lại còn rơi vào hoàn cảnh thê thảm, khổ đau gấp ngàn lần A-Ki:
 Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Đêm cô đơn ở Giêtsêmani, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên núi Sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh... tất cả.
·        Và cũng ngay lập tức, mối tương giao giữa A-ki và Thiên Chúa đã trở thành mặn mà như “hai người” đã từng yêu nhau từ muôn kiếp:
Tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.
·        Nhịp cầu thân tình ấy càng được vững mạnh hơn khi A- Ki quyết định tìm hiểu thêm về Đức Giêsu bằng cách đọc Kinh Thánh
Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của một người bạntôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Luca về giây phút cuối cùng, tôi không còn hiểu gì nữa. Luca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Tôi không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin tưởng và phó thác vào Cha mình.
·        Thế là ngay lúc đó, Chúa đã dùng Linh mục ADH như ông Kha-na-ni-a khi xưa nói với Phaolô sau biến cố Damas : Chúa đã sai tôi tới đây để anh lại thấy đuợc. Quả thật, đôi mắt tâm linh của A-ki mở ra và A-ki đã cảm nhận đuợc những điều thật kỳ diệu về Thiên Chúa với niềm xác tín sâu xa:
Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi.
·        A-Ki đã kể lại cảm nghiệm thực tế đời mình cho chúng ta nghe. Có lẽ các nhà thần học kinh viện không thể chấp nhận nổi tư tưởng cực kỳ lạc đạo, thậm chí rối đạo quá quắt này, các Ngài có thể kết án A-ki một tội danh ở mức nghiêm trọng nhất: Phạm thượng và nếu ở thời trung cổ, chắc chắn A-ki sẽ bị thiêu sống trên giàn hỏa. Nhưng tôi lại hoàn toàn đồng cảm với A-ki vì qua câu chuyện này, A-Ki đã nhận ra khuôn mặt chân thực của Thiên Chúa bằng chính ánh mắt tâm hồn của mình.
Bạn từng nghe rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi người, để Người có thể mặc lấy cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang đàng... Sai rồi! Đấy chỉ là câu chuyện trong dụ ngôn!
·        Lời khẳng định thật quyết liệt, dứt khóat, toát ra từ cảm nghiệm ngọt ngào và mãnh liệt về một Thiên Chúa tình yêu rất mới và rất gần gũi thân thương như hình ảnh “Chúa quỳ xuống rửa chân cho các đầy tớ” chứ không cao sang, thánh thiện, uy quyền, nghiêm khắc, công thẳng một cách khắt khe như hình ảnh Thiên Chúa truyền thống. Mà tôi nghĩ chính đó mới là Thiên Chúa đích thực trong lòng A-Ki cũng như trong lòng những người giáo dân chúng ta - những người con yêu dấu của Ngài, do chính Ngài sinh ra (Ga 1 : 13 )

THỬ TÌM MỘT HƯỚNG ĐI CHO LINH ĐẠO GIÁO DÂN
Qua mẩu chuyện của chàng hoang đàng A-Ki, chúng ta có thể tìm được hướng đi cho Linh đạo Giáo dân thời hiện đại.
Tôi tạm chia làm 4 giai đoạn
1.      Giai đoạn một : Mở lòng đón nhận
Chúa mời gọi chúng ta cả ngàn cách - một câu Lời Chúa, một cuộc gặp gỡ với người khác, một khúc phim trên Tivi, một tình tiết trong tiểu thuyết…- vấn đề quan trọng là chúng ta có mở lòng đón nhận hay không. A-Ki đã đón nhận Lời Chúa trong ngày thứ Sáu tuần thánh.
2.      Giai đoạn hai : Nghiền gẫm và tình hiểu thêm
Chắc chắn Lời Chúa hôm thứ Sáu tuần thánh đáng ghi nhớ ấy đã xoáy vào con tim, thắt vào trí óc, khiến A-Ki “khắc khoải canh trường”, cho nên A-Ki đã quyết định  đọc Kinh thánh để tìm hiểu kỹ hơn về bản thân Đức Giêsu. Đây là một giai đoạn cần thiết không thể thiếu trên con đường tâm linh vì khắc khoải sinh khao khát, từ khao khát mới mong kiếm tìm, Thánh Augustino đã để lại cho chúng ta một kinh nghiệm: “Tâm hồn con mãi mãi khắc khoải cho tới khi gặp được Chúa, con mới được nghỉ yên”. Vào mùa chay, cha Khảm - một linh mục giảng hấp dẫn, nổi tiếng ở Saigon - giảng ở đâu là nơi đó người ta lũ lượt đi tới ngồi chật ních nhà thờ. Nghe cha giảng xong, ai cũng tấm tắc khen hay, nhưng hạt giống Lời Chúa cha gieo vào lòng người đã bị chim trời bay xuống ăn mất ngay ngày hôm sau, chỉ vỉ thiếu nghiền gẫm, khao khát, khắc khoải … và mong mỏi kiếm tìm. Chúng ta có thể kiếm tìm bằng nhiều cách: đọc Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa, tham vấn những nguời có kinh nghiệm…Chính kiếm tìm này chắn chắn sẽ dẫn tới những khám phá  bất ngờ đầy thú vị.
3.      Giai đoạn ba : Khám phá.
Mỗi khám phá mới là mỗi bậc thang giúp chúng ta tiến lên trong đời sống tâm linh , đây cũng chính là những lần gặp gỡ Thiên Chúa thực sự đầy thú vị và hạnh phúc rưng rưng nước mắt. Sau đây là những khám phá của  A-Ki :
Tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết.
Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi,    để xin lỗi tôi
Tôi là một đứa con hoang đàng đã trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi...
Đôi khi khám phá mới mang đầy màu sắc chủ quan cá nhân nhưng cực kỳ xác tín chứ không không phải ai nói sao tôi nghe vậy, chỉ biết nhắc lại như vẹt mà không một chút cảm nhận.
Nói tới đây, tôi chợt nhớ tới bài “ Còn con, con nghĩ Thày là ai” của Trần Mỹ Duyệt, đăng ở trên trang Web Maranatha. Trần Mỹ Duyệt đã chia sẻ:
Những điều mà nhà thần học này, nhà tu đức kia, nhà Giáo Hội nọ, hoặc các chuyên viên Thánh Kinh khác nghiên cứu và ghi chép lại. Những hiểu biết ấy không phải là của tôi, vẫn không phải là những gì mà Chúa Giêsu muốn tôi nói về Ngài.
Nhưng điều quan trọng là: Những câu trả lời ấy phải là những câu trả lời của chính lòng mình. Nó là những cảm nhận sự có mặt của Chúa trong cuộc đời mình.
4.      Giai đoạn bốn : Cảm nghiệm
Trong bất cứ một linh đạo nào, giai đoạn quan  trọng nhất là chính là cảm nghiệm ngọt ngào, sống động qua một biến cố xảy ra trong cuộc đời của mình.
Và đây mới chính là đỉnh cao của sống chiều kích của Kitô Hữu: một cuộc Metanoya trọn vẹn – thay đổi não trạng 180 độ - A-Ki bấy lâu nay đòi làm chủ đời mình thì biết bao đau khổ, đắng cay, ê chề dồn dập trút lên mình A-ki. Hôm nay, mọi sự vẫn như cũ, hoàn cảnh vẫn như xưa, nhưng A-ki đã hoàn toàn đổi mới vì giờ đây Chúa mới là chủ đích thực của con người A-Ki, Chúa chính là nguồn hạnh phúc, nguồn hoan lạc, nguồn bình an của A-Ki. Anh chàng hoang đàng lang thang lếch thếch giữa chợ đời với lòng thù hận ngút trời hôm nay bỗng thấy lòng mình nhẹ tênh như cánh chim én bay lượn trong bầu trời xuân tươi bất tận của tình yêu Thiên Chúa.
Tôi nghĩ đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa.
Xin quý vị Lưu ý :Đối với cuộc trở về của A-ki quá vĩ đại nên có thể tạm chia làm 4 giai đoạn, nhưng có những trường hợp nhỏ nhỏ thường ngày thì cả 4 giai đoạn trên chỉ xảy ra trong vòng mươi phút - chủ yếu là khám phá và cảm nghiệm - nhất là đối với những ai đã khá nhậy bén trên đường tâm linh.
Kính thưa quý độc giả,
Qua bài này, chúng ta có dịp cùng nhau nhìn ngắm lại xem Thiên Chúa của lòng mình như thế nào. Có gần gũi, thân thương, sống động như thế không, hay vẫn còn xa lạ, nghiêm khắc, uy nghi, ngàn trùng thánh đức. Chính vì vậy, bài Tôi, người con hoang của A-Ki quả là một món ăn tinh thần rất bổ dưỡng trên bàn ăn thịnh soạn Linh đạo Giáo dân trong tuần báo Maranatha của chúng ta.
Share this Article on :

0 comments:

Post a Comment

 
HERDIANSYAH.NET
© Copyright Giáo Xứ Tân Lộc - Giáo Hạt Cửa Lò 2010 -2011 | Design by Herdiansyah Hamzah | Published by Borneo Templates | Powered by Blogger.com Chỉnh sử bởi Khát Vọng.