Mới Cập Nhật :

XÂY DỰNG MÙA XUÂN CHO CON CÁI

Monday, January 30, 2012



(7 CÁI THIẾU TRONG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH HIỆN NAY)
 
Sự thành công của học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài đã làm cho nhiều người thán phục và thắc mắc. Một trong những nguyên nhân đã được xác nhận, tại Hoa Kỳ và ở Đức, đó là sự hỗ trợ và liên đới của gia đình : bầu khí gia đình, sự quan tâm của gia đình hay ý thức trách nhiệm đối với gia đình.

Sự kiện này làm cho nhiều người nước ngoài thèm thuồng, bởi vì tình trạng gia đình ở nước họ có nhiều vấn đề.
Tại Việt Nam chúng ta, truyền thống và văn hóa gia đình dù sao vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Song nhiều người đã lên tiếng báo động trước những hiện tượng tiêu cực của giới trẻ : con số trẻ em đường phố gia tăng, tội phạm hình sự trong giới thanh thiếu niên, các vụ phá thai của những cô gái còn ngồi ghế nhà trường ...

Ngay trong các gia đình anh chị em chúng ta, việc giáo dục gia đình có được quan tâm đúng mức không? Hiện nay chúng ta đang chịu một áp lực xã hội rất lớn, ở mọi mặt : chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khiến không dễ một mình lội ngược dòng. Dù sao trách nhiệm vẫn còn đó, và nền giáo dục mà chúng ta đã được hưởng không cho phép mình khoanh tay nhắm mắt đối với hạnh phúc tương lai của con cái.

Xin mạn phép chia sẻ với anh chị 7 cái thiếu cần quan tâm trong giáo dục gia đình, nhằm động viên nhau xây dựng cho con emmột mùa xuân mới ngay tại gia đình mình.

1. 
CHA MẸ THIẾU THỜI GIỜ CHO CON CÁI

Mỗi ngày, anh chị dành cho con cái và từng đứa con được mấy phút? Và được mấy phút vui vẻ, êm ấm cha con, mẹ con vui đùa với nhau thoải mái, yêu thương?

Chơi với con : là một mối giây liên kết mình với con cái bền chặt hơn nhiều thứ khác.

2. 
CON CÁI THIẾU TƯƠNG QUAN VỚI NGƯỜI KHÁC

Gia đình ngày nay chủ trương ít con, một hay hai con mà thôi. Những đứa con một thiếu tương quan với người khác ngay trong gia đình của mình. Song nhiều con em bây giờ cũng ít gặp gỡ sống với người khác do bận học hành quá nhiều, học ở trường, học thêm, học năng khiếu. Không còn nhiều giờ để sống với bạn bè, anh em, người thân quen. Nhà trường nhấn mạnh quá về kiến thức. Ít chú trọng đến lễ nghĩa, tương giao. Và ngay khi sống tương giao, cái phẩm chất vẫn còn là một vấn đề. Chẳng hạn thái độ mô phạm của thầy giáo hay những nhận định của cha mẹ về thầy cô con cái có thể nghe được.

3. 
THIẾU TÍCH CỰC TRONG SUY NGHĨ PHÊ PHÁN

Trẻ em Việt Nam ngày nay dành mấy giờ mỗi ngày để xem tivi, video, chơi trò điện tử ... Thời gian ngồi trước màn ảnh nhỏ tạo cho người xem thái độ thụ động, chỉ hấp thu mà ít phản ứng.

Làm sao tạo cho con cái chúng ta một thái độ tích cực tiếp thu những gì mình xem, mình đọc, mình nghe. Nói chuyện với con cái có thể giúp chúng ta nghe biết những gì con cái thu nhận và tạo điều kiện để gây suy nghĩ, đặt vấn đề và soi sáng. Cần phải biết đánh giá, chọn lựa trước mọi thứ xã hội bên ngoài áp đặt cho mình.

4. 
THIẾU SỰ TRUNG THỰC

Sự trung thưc ngày nay, có lẽ phải đốt đuốc mới tìm thấy. Giả dối lại có thể tìm thấy khắp nơi: đồ giả, hàng giả, bằng giả. Học sinh đi thi, photocopy bài để cóp là chuyện bình thường. Nếu tương lai của con em chúng ta không được xây dựng trên chính thực lực của chúng mà chỉ dựa vào tiền bạc, thế lực và mánh khóe thì làm sao đứng vững được ?

5. 
THIẾU TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Xã hội giải bày một tinh thần trách nhiệm cao độ : các công trình thi công trên đường phố, chuyện giao thông hàng ngày, những tội phạm báo chí phơi bầy về tham nhũng, hối lộ, lạm dụng của cải xã hội chủ nghĩa... Gia đình cần góp phần giáo dục cho con em tinh thần trách nhiệm về bản thân, về gia đình, về người khác... Con người không sống theo chính lương tâm ngay thẳng của mình sẽ là người như thế nào khi có một chút quyền lực nào có trong tay ?

6. 
THIẾU THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI MÌNH

Các xã hội Đông Âu và Liên Xô cũ cho thấy việc loại trừ tôn giáo đã kéo theo những hậu quả nào : một xã hội phi đạo đức. Sự trống vắng Thiên Chúa trong xã hội Tây Phương cũng cho thấy những hậu quả tương tự. Còn thiếu vắng Thiên Chúa trong gia đình thì sao? Ly dị, phá thai, lạm dụng tình dục và bao nhiêu thứ chuyện khác. Trong gia đình của chúng ta, có thể vẫn có những hình tượng của Ngài, nhưng một Thiên Chúa sống động là Cha, quan phòng một Thiên Chúa hy sinh trên thập giá mời gọi các môn đệ chấp nhận hy sinh, một Chuá Thánh Thần sống động trong tâm hồn mỗi người: Thiên Chúa ấy, con cái chúng ta có nhận thấy Ngài hiện diện trong gia đình không?

7. 
THIẾU NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG

Cuối cùng và có thể nói là tóm chung lại, giáo dục gia đình cần trước hết là những tấm gương mẫu mực, mô hình cho con cái.

                        Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng .
                        Lời nói bay mau, gương sáng còn mãi.

Trong những ngày này, chúng ta có thể tự hỏi với nhau : Anh chị em chúng mình để lại cho con cái những tấm gương nào? Con cái theo bước cha anh: cái gì nơi chúng ta có thể soi đường dẫn lối cho con cái mình sau này? Chúng ta đã làm gương cho con cái như thế nào trong lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc đi đứng, cách sử dụng tiền bạc, phương tiện giải trí, cách làm việc, nghỉ ngơi, cách đối xử với nhau giữa vợ chồng, bạn bè, cách lái xe, cách phục vụ quê hương, cách yêu mến Chúa và người khác...

Mùa xuân mới, không chỉ là quà tặng của thiên nhiên, cứ theo chu kỳ mà trở lại. Mùa xuân mới của con em chúng ta còn chính là cuộc sống nơi gia đình, mà cha mẹ ông bà và những người thân quen không ngừng tạo dựng cho con cháu. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng cho con cái mình một mùa xuân mãi mãi hạnh phúc và bình an.

(Bài nói chuyện của Đức Cha Phao lô Nguyễn Văn Hòa với một số gia đình)
Share this Article on :

0 comments:

Post a Comment

 
HERDIANSYAH.NET
© Copyright Giáo Xứ Tân Lộc - Giáo Hạt Cửa Lò 2010 -2011 | Design by Herdiansyah Hamzah | Published by Borneo Templates | Powered by Blogger.com Chỉnh sử bởi Khát Vọng.