Mới Cập Nhật :

HIỆP THÔNG VÀ CẦU NGUYỆN

LỊCH SỬ GIÁO XỨ TÂN LỘC

Tin Giáo Xứ Tân Lộc

TNTT Tân Lộc - Đoàn Phê-rô Nguyễn Khắc Tự

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ TÂN LỘC

Tuesday, January 31, 2012


LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIÁO XỨ TÂN LỘC

Giáo xứ Tân Lộc, trực thuộc giáo phận Vinh, được ghi vào biên niên sử của Giáo Hội hoàn vũ, chúng tôi xin được phép ôn lại một vài nét sử liệu với những sự nghiệp mà cha ông chúng tôi đã gầy dựng trong suốt mấy thế kỷ qua, và nhận lấy đó làm niềm tự hào và danh dự, hầu để duy trì, phát huy những thành quả tốt đẹp mà Tiền nhân đã dày công vun đắp. Đúng như lời người xưa đã căn dặn con cháu : 
“Thiên ân thần khả báo
Phụ nghiệp tử năng thừa”.

Đáp lại lời mời gọi khẩn thiết của Thầy Chí Thánh : "Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian", từng đoàn đoàn, lớp lớp những người con ưu tú của Giáo Hội nối tiếp nhau, không quản gian lao vất vả, xung vào đội ngũ nối dài ơn Cứu Độ cho đến tận cùng bờ cõi trái đất và đã cùng Phêrô thưa tiếng : "Vâng lời Thầy con xin thả lưới".

Thế là mảnh  đất Nghệ -Tĩnh -Bình, tức lãnh thổ giáo phận Vinh ngày nay, được diễm phúc đón tiếp bước chân nhà truyền giáo vĩ đại A-lệ-Sơn Đắc Lộ vào năm 1629, khi Ngài và giáo sĩ Mác-Kê ở Thăng Long bị Nhà Lê bức xuống thuyền theo đường biển, vào Nam để về Macao. Cuộc hành trình đầy thử thách này chuyển tải trọn vẹn thánh ý Chúa quan phòng nhiệm mầu muốn cho đoàn tranh thủ rao giảng Tin Mừng tại các cửa biển Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. 

Mảnh đất gio xứ Tn Lộc, chính là một trong các cửa biển đầu tiên thuộc giáo phận Vinh được đại phúc đón nhận hạt giống Tin Mừng từ  đoàn truyền giáo cha Đắc Lộ năm xưa : Cửa Lò. Vâng, trong cái buổi đầu tinh khôi ấy, Tin Mừng Cứu Độ như một âm vang vút cao trên sóng biển rì rào tạo nên một giai điệu êm đềm, ngân vang, bọc lấy làng chài Cửa Lò vốn "sơn thuỷ hữu tình" từ bao đời nay. Thât là "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Cái duyên của lòng người, của đất trời gặp nhau. Thế là "bột đã được dậy men", "hạt giống đã được gieo vào đất tốt và sinh hoa kết quả".  
Cửa Lò hồi ấy có chợ Lò khá sầm uất, là điểm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá duy nhất giữa dân cư các vùng lân cận với dân làng chài. Đây là điều kiện thuận tiện cho hạt giống Đức Tin lan toả khắp địa hạt Chân Lộc (tên gọi huyện Nghi Lộc ngày xưa). Quả là thiên thời, địa lợi, nhân hoà! Chân Lộc còn là một trong những xứ đạo tiên khởi của giáo phận Vinh, với gần 4046 giáo dân, trong đó Đông Biên (tức Tân Lộc ngày nay) là một họ lẻ, có một nhà thờ mái tranh, mang cái tên gắn liền với vị trí địa lý của làng : nhà thờ Đông Biên (nghĩa là phía đông giáp biển). Nơi đây đã trở nên điểm tựa tinh thần linh thiêng duy nhất của con cái làng Đông Biên (Tân Lộc) sau những chuyến ra khơi đối mặt với sóng gió cuộc đời. Từ nay, dù biển có gào thét hay sóng nước có trào dâng con thuyền của Đức Kitô trong lòng con cái Đông Biên (Tân Lộc) vẫn cứ lướt thắng và đầy ắp "cá người".
"Hữu xạ tự nhiên hương”. Thật vậy, nhờ hương thơm đời sống đạo đức và lòng nhiệt thành Tông đồ toả ra từ các Đấng Thừa Sai và đoàn chiên, ít lâu sau một số bà con lương dân làng Mai Bảng xin gia nhập đạo. Số tân tòng này chính là nhân tố đầu tiên làm nên giáo họ Mai Hương (tức Mai Lĩnh hôm nay). Còn họ giáo Yên Trạch là kết quả của một số gia đình lương dân làng Yên Lương trở lại với một số ít giáo dân ở Đá Dựng (Lập Thạch) và dân chài ở Cửa Rum lên. 
Tuy cuộc sống dân làng chài thời ấy còn mang hình thức trao đổi là chính nhưng Mai Hương và Yên Trạch cũng đã có hai nhà nguyện nhỏ, đủ cho những lời kinh nguyện sớm tối như hương thơm ngào ngạt bay lên trước Thiên Tòa Chúa. Chính nhờ đó mà một năm trước khi thành lập giáo phận Vinh, tức là năm 1845 cha Lausensô Tăng, người con ưu tú của Mai Hương được tiến chức linh mục. Sau 16 năm nhiệt thành trong sứ vụ Tông đồ, Ngài đã bị bắt và chết rũ tù năm 1859 làm chứng nhân cho Đức tin dưới thời Tự Đức. Dòng máu tử đạo của Ngài đã thấm sâu vào lòng Đất Mẹ Cửa Lò-Tân Lộc thân thương làm vọt lên một sức sống mới mãnh liệt cho 42 bông hoa thiêng nối tiếp nhau trổ sinh trong suốt  hơn 140 năm qua ; trong đó có  26 linh mục, hơn 25 tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong và ngoài nước, góp phần tô điểm cho vườn hoa muôn sắc của Giáo Hội thêm rực rỡ.
Theo cuốn "Tư liệu về hàng Giáo Phẩm Đông Dương thế kỷ 17 và 18" của Đức Cha Lu-i - Nê-ê, người Pháp, Giám Mục giáo phận Tây Đàng Ngoài, cho biết : linh mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, Bênêdictô Hiền, sinh năm 1615, tại làng Dou Hien, xứ Chân Lộc, tỉnh Nghệ An, thụ phong linh mục năm 1668. Chữ "Đu" trong tiếng Pháp có âm vọng Việt Ngữ là "Đông". Phải chăng đó làng Đông Biên (Tân Lộc) chúng ta.
Năm 1853 Giáo xứ Cửa Lò được tách ra từ xứ mẹ Chân Lộc với 2693 giáo hữu, linh mục quản xứ là cha Giacôbê Nguyễn Danh Thông, quê ở Thuận Nghĩa, bị bắt ngày 21-1-1860 tại Vạn Lộc trại, bị trảm quyết vì đạo ngày 24-4-1860.
 Năm 1876 do điều kiện bất lợi về vị trí điạ lý mỗi khi có gió bão, nước biển dâng cao,  nhà thờ cũ Đông Biên đã được dời vào vị trí hiện nay và thay bằng một nhà thờ gỗ mái ngói với tước hiệu Sinh nhật Mẹ làm Bổn mạng. Theo sử liệu để lại, việc dời nhà thờ đến vị trí mới là nhờ sự bênh vực của linh mục Phaolô Nguyễn Hoằng, nghĩa tử của cha già quản xứ Giacôbê Nguyễn Danh Thông,  hồi ấy đang làm quan Bộ Lễ Tả Tham Tri ở Huế dưới thời vua Tự Đức, xử hậu cho vụ tranh chấp đất nên mãi đến ngày nay con cháu làng Đông Biên (Tân Lộc) vẫn luôn  truyền tụng và ghi ơn.
"Con thuyền lịch sử" chuyên chở "những con người lịch sử" âm thầm đi qua một giai đoạn tưởng chừng như không mấy ai quan tâm ấy, đã trở thành những thanh âm  thông điệp mãi mãi ngân vang, hết sức quan trọng và đầy tính quyết định cho tương lai hậu thế cháu con.
"Quê hương tôi !
Bao sự tích diệu kỳ chứa trong từng câu kể.
Mang nặmg ân tình của bao thế hệ.
Mặn giọt mồ hôi của cha của mẹ
Thơm hơi thở nồng của chị của anh".
Khép lại một giai đoạn lịch sử hào hùng mà cha ông đã viết lên trong gian nan, vất vả, mồ hôi trộn lẫn với máu và nước mắt, ý Chúa nhiệm mầu muốn cho mảnh đất này bước sang một giai đoạn lịch sử mới không kém phần phong phú và trọng đại, với một danh xưng mới được ghi vào biên niên sử của giáo phận: Tân Lộc.
Năm 1902, Đức Cha Pi-Nhô Trị Giám Mục giáo phận Vinh chính thức châu phê thành lập giáo xứ Tân Lộc với ba họ đạo : Tân Lộc, Mai Hương và Yên Trạch cùng với ba tước hiệu Mẹ làm bổn mạng : Sinh Nhật Mẹ, Mẹ Vô Nhiễm và Mẹ Mân Côi, sau ny gio họ Đức Xun nhạp vo lấy tước hiệu Mẹ Thin Cha, có ý ghi ơn Mẹ đã dìu dắt đoàn con giáo xứ vượt qua bao thử thách trong những ngày gian nan.
  Tân Lộc khiêm tốn nép mình dưới chân núi Lô Sơn lịch sử, nơi mà nhà chí sỹ Công Giáo PhaoLô Nguyễn Trường Tộ đã cùng bạn học xướng hoạ và ngắm cảnh biển trời bao la, sau một ngày miệt mài với sách vở, trong những năm tháng theo học quan huyện Địa Linh ở làng Tân Lộc.
Cũng như ngọn Lô Sơn đứng sừng sững giữa đất trời, không hề lay chuyển trước những biến động thăng trầm của lịch sử, Tân Lộc cũng luôn kiên trung trong Đức Tin mà cha ông đã đón nhận như một báu vật  linh liêng, vô giá Thiên Chúa đã trao ban.
Từ thành lập và phát triển đến nay, Tân Lộc đã đón nhận biết bao hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Maria tặng ban qua tay 15 vị chủ chăn nhiệt thành, thánh thiện thay mặt Bề Trên Giáo phận coi sóc và hưởng dẫn. Các Ngài như những tay lái lành nghề dẫn đưa con thuyền Giáo xứ vượt qua bao bão táp dòng đời, vững tin vào Chúa và tương lai của Giáo hội Người.
Năm 1902-1910, Bề Trên giáo phận bổ nhiệm cha Phêrô Đạt quản xứ  Tân Lộc trong buổi "vạn sự khởi đầu nan" đầy thiếu thốn, vất vả với ba giáo họ, gần 2465 tín hữu. Nhưng con thuyền của con cái Tân Lộc với thuyền trưởng Phêrô Đạt vẫn êm đềm tiến về tương lai sáng ngời, nơi đó Đức Kitô-Thuyền Trưởng của mọi thuyền trưởng đang chờ đón.
Năm 1910-1915, cha Gioanbatixita Nguyễn Đức Nhạc được bổ nhiệm làm quản xứ Tân Lộc.
Năm1910, giáo họ Mai Hương trở thành trung tâm nghỉ mát của các Cố Thừa Sai. Nơi đây còn là điểm học tiếng Quốc Ngữ lý tưởng của các Thừa Sai mới sang Việt Nam
Năm 1915-1921, cha Gioanbaotixita Đậu Quang Trường được đặt làm quản xứ  Tân Lộc.
Năm 1919, Giáo họ Mai Hương khởi công xây dựng ngôi thánh đường, kiến trúc theo kiểu Tây Phương, do Cố Thừa Sai Hoà thiết kế và đốc công. Công trình lịch sử này đã được khánh thành Năm 1923 trong niềm vui của toàn giáo xứ.
Năm 1921-1932, cha Phaolô Thực, được Bề Trên Giáo phận bổ nhiệm làm quản xứ Tân Lộc. Nhờ trí thông minh, khôn ngoan và lòng nhiệt thành Tông đồ của Ngài, ngôi thánh đường sơn son thiếp vàng, nguy nga rộng lớn, nhất nhì giáo phận lúc bấy giờ đã được khởi công và hoàn thành vào năm 1930. Đây là biểu tượng sống động nói lên lòng mến Chúa, yêu Giáo hội của con cái Tân Lộc. Tháp chuông và phần  lòng ngôi thánh đường này hiện nay vẫn còn đó. Và để ghi nhớ công ơn trời bể của Ngài, cha ông chúng tôi đã đặt thi hài Ngài nằm trong lòng ngôi thánh đường như trong vòng tay của con cái Tân Lộc khi ngài về chầu chúa ngày 30/10/1932.
Năm 1932-1942, cha Gioanbaotixita Thư, nguyên là cha phó cho Cha già Phaolô Thực, được Bề Trên giáo phận đặt lên chính sau khi cha xứ Phaolô Thực qua đời. Một ngôi trường giáo lý khang trang mang tên thánh Gioanbaotixita đã được mọc lên dưới bàn tay hướng dẫn của Ngài.
Năm 1942-1944, cha Phaolô Lễ, được bổ nhiệm làm quản xứ. Chỉ trong vòng hai năm coi sóc, cơ sở của giáo xứ lại có thêm một ngôi trường mới khang trang, đẹp đẽ mang tên thánh Phaolô, đối diện với ngôi trường thánh Gioanbaotixita. Hai ngôi trường này đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá, hiện nay không còn nữa nhưng dư âm của nó luôn vang vọng trong tâm thức của bao đời con cháu Tân Lộc, vì từ đó nhiều người con của Tân Lộc đã lớn lên và tung cánh muôn phương.  
Năm 1944, Cha Phêrô Trần Đức Hân, được bổ nhiệm làm quản xứ Tân Lộc. 14 năm quản xứ của Ngài được chia làm hai giai đoạn (từ 1944-1953 và 1956-1969) với những bước tiến thăng trầm do hoàn cảnh chính trị xã hội bất trắc đem đến.
Năm 1954, Do đấu tranh cho công lý sự thật v bảo về Gio hội , cha Phêrô bị chính quyền bắt giam, nên từ năm 1954-1955, con cái Tân Lộc được đặt dưới sự phụ trách của cha hạt Phêrô Phan Định quản xứ Lộc Mỹ.
Năm 1954, trong một đợt oanh tạc của máy bay Pháp, ngôi thánh đường Tân Lộc hòng bị xoá sổ trên địa bàn Cửa Lò. Nhưng, Mẹ Thiên Chúa nhân lành đã hiện ra uy nghi trên tháp chuông ngôi thánh đường như một "Hiệp Sĩ" oai hùng xuất trận, với ngọn cờ trong tay, gạt làn bom lạc hướng ra biển, bảo vệ ngôi thánh đường và đoàn con yêu của Mẹ bình yên. Sau biến cố này, bà Hướng Thinh, một lương dân làng Vạn Lộc xin gia nhập đạo và đã trở thành một Kitô hữu tốt, vì chính bà đã chứng kiến và kể lại cho  mọi người việc Đức Mẹ hiện ra làm những điều cả thể trên con cái Tân Lộc.
Mùa xuân năm 1956, tin vui đến với giáo xứ, cha quản xứ Phêrô được trả tự do, trở về với đoàn chiên. Một cuộc rước đón cha trở về long trọng và hào hùng đã diễn ra trên quảng đường Vinh - Cửa Lò năm ấy.
Năm 1957, giáo họ Yên Trạch khởi công xây dựng lại ngôi thành đường sau nhiều năm xuống cấp.
Năm 1958, ngôi nhà phòng Giáo xứ đã được khởi công xây dựng đến nay vẫn còn đó như một chứng tích hùng hồn của một giai đoạn lịch sử thăng trầm.
Năm 1960-1978, cha Phêrô Nguyễn Lê được đặt làm quản hạt Cửa Lò, quản xứ Tân Lộc.
Năm 1967, trong một đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, ngôi nhà phòng giáo xứ đã đổ xuống giữa lúc 50 học sinh giáo lý đang học trong đó. Nhưng bàn tay uy quyền Chúa và Mẹ quan thầy đã gìn giữ, chở che cho tất cả đuợc bằng an vô sự. Lạ hơn nữa, cũng chính vào thời điểm đó, một mảnh bom cắt dứt cây dừa, xuyên qua bức tường nhà thờ, chọt thủng phía sau nhà tạm làm chén dựng Mình Thánh Chúa văng ra, nhưng Mình Thánh Chúa vẫn mằn nguyên trong chén thánh như muốn nói với con cái Tân Lộc rằng : Cha luôn hiện diễn giữa chúng con, cả những lúc đau thương nhất. Sự kiện lạ này là một dấu chỉ cho thấy lòng Chúa ưu ái, thương yêu con cái Tân Lộc đến ngần nào !
Năm 1974, giáo họ Mai Hương xây dựng lại ngôi thánh đường đã bị bom Mỹ tàn phá trong chiến tranh năm 1972.
Sau 18 năm cùng sống chết với con cái Tân Lộc, trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc Việt Nam, dưới những làn mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ, tháng 7 năm 1978 Ngài đã được Chúa gọi về thưởng công. Phần mộ của Ngài hiện nay được cải tảng dưới chân tượng đài Mẹ, trong khuôn viên thánh đường này.
Để chia sẽ mất mát với con cái giáo xứ, tháng 7 năm 1978-1979, Bề Trên giáo phận cho phép cha Tôma Nguyễn Văn Cường, người con yêu của quê hương, nguyên là thư ký Toà Giám Mục, phụ trách Giáo xứ Tân Lộc.
Năm 1979-1984, cha Giuse Vương Đình Ái, được bổ nhiệm làm quản hạt Cửa Lò, quản xứ Tân Lộc. Trong năm năm dìu dắt, Ngài đã  tạo mọi điều kiện, khích lệ phát triển văn hoá, nâng cao dân trí, đặc biệt là sự hiểu biết giáo lý. Nhiều giáo lý viên của giáo xứ đã lớn lên nhờ sự quan tâm dạy dỗ của Ngài.
Năm 1984-1988, cha Gioanbaotixita Lê Phương Hướng được đặt làm  quản hạt Cửa Lò, quản xứ Tân Lộc. Bốn năm dưới sự hướng dẫn của Ngài các hoạt động đoàn thể của giáo xứ bắt đầu khởi sắc, nhiều gia đình thăng tiến trong đời sống đạo nhờ tinh thần mục vụ tận tình của Ngài.
Mùa hè năm 1988, cha Giuse Nguyễn Tràng, được đặt làm quản hạt Cửa Lò, quản xứ Tân Lộc đến hết năm 2001. Mười ba năm dưới sự dìu dắt của ngài, cùng với sự cộng tác đắc lực của ban điều hành giáo xứ và các giáo họ, giáo xứ đã khởi sắc rõ rệt về nhiều lãnh vực ; nhiều công trình kiến trúc làm giàu cơ sở hạ từng đã được mọc lên : tượng đài kính Mẹ, ngôi trường giáo lý, nhà các thầy. Đặc biệt, với tinh thần xây dựng quê hương của con cháu định cư ở nước ngoài, ngôi thánh đường giáo xứ đã được trùng tu lại nguy nga, lộng lẫy,  khánh thành và cung hiến vào ngày 27 tháng 12 năm 2001 do Đức Giám Mục Phaolô-Maria Cao Đình Thuyên chủ sự, trong niềm vui sướng của hàng ngàn con tim con cái Tân Lộc.
Các công trình kiến trúc thờ phượng dâng Chúa này không những  biểu trưng cho Niềm Tin tha thiết của con cái giáo xứ Tân Lộc mà còn góp phần làm cho cảnh quan khu du lịch Cửa Lò thêm trang nhã và đẹp đẽ, hài lòng du khách đến với đô thị Cửa Lị, bn cạch đó dịng tu Cha Cứu Thế  Việt Nam cũng về tìm vị trí trn mảnh đất thn yu Cửa Lị để đặt cơ sở phục vụ.
Tháng 1 năm 2002, cha Phêrô Nguyễn Văn Khang được Bề Trên Giáo phận đặt làm quản hạt Cửa Lò, quản xứ giáo xứ Tân Lộc. Tiếp nối đà phát triển của giáo xứ,  tháng 3/2002 Đức Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cho phép giáo họ Đức Xuân, nguyên là họ đạo thuộc giáo xứ Lộc Mỹ được sát nhập vào giáo xứ Tân Lộc. Từ nay, giáo xứ Tân Lộc có 4 họ đạo với  hơn  6500 giáo dân, tất cả đều đóng trên địa bàn thị xã Cửa Lò trung tâm du lịch khá sầm uất của tỉnh Nghệ An.
Vào lúc 19h30 ngày 02 tháng 07 năm 2008 sau một thời gian đau nặng do nhiều căn bệnh nan y, một phần do thời kỳ ngài phải bị  tù đày dưới chế độ  nhà tù cọng sản, với sự nổ lực hết mình  chăm sóc của đoàn con cái giáo xứ Tân Lộc, nhưng bệnh tình vẩn không thuyên giảm và Chúa đã gọi ngài về hưởng thọ 71 tuổi. Linh cửu ngài được an táng tại khuôn viên nhà thờ giáo họ Tân Lộc bên cạnh tượng đài Mẹ.
Bề trên giáo phận không để con cái mình phải vắng bóng chủ chăn ngày 08 tháng 08 năm 2008, một tháng sáu ngày Giáo xứ long trọng đón cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng một người cha trẻ, năng nổ tài giỏi,  mang trọng trách trưởng Ban giáo lý đức tin của Giáo phận về coi sóc giáo xứ Tân Lộc. Tiếp tục những công việc của người quá cố để lại. Ngôi nhà trường giáo lý hai tầng  hơn 10 phòng học trong đó có hai phòng ăn nghỉ, học cho 02 lớp trẻ mầm non được các Sơ dòng Bác Ái Turê  chăn dắt dạy bày.  Ngôi nhà thờ giáo họ Mai Lĩnh được cha  tiếp tục xây dựng chuyển tiếp của cha già quá cố Phêrô Nguyễn văn Khang dần dần được đi vào hoàn tất. “Đất lành chim đậu” Trên địa bàn giáo xứ Tân Lộc lại  đón nhận nhiều vị  khai sáng kiếm tìm cho dòng mình và Dòng Lời Chúa, Dòng Bác Ái Turê v.v về mua đất và định cư trên địa bàn giáo xứ để phục vụ và phát triển.
Đứng trước những thách đố mới của thời đại, cha con giáo xứ chúng tôi có nhiều thao thức cho tương lai : nhiều dự án về mục vụ cũng như xây dựng cơ sở hạ từng góp phần làm cho bộ mặt của giáo xứ và cảnh quan đô thị Cửa Lò thêm thanh lịch. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận đựơc sự đồng tình và giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân có lòng hảo tâm trong tinh thân xây dựng quê hương, để chúng ta có thể phát triển nét đẹp văn hoá Kitô Giáo trên nền văn hoá Việt Nam, trong thiên niên kỷ mới này.
Con số  hơn 6500 giáo dân và hơn 1000 con cháu đang định cư tại các giáo phân bạn và nước ngoài hôm nay, chính là thành quả của gần 380  năm cha ông chúng ta đã khó nhọc vun trồng. Với đạo lý : "Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", thế hệ con cháu chúng con xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Tổ Tiên nói lên lời cảm tạ và tri ân, vì những kỳ công mà Chúa đã dùng Tổ Tiên mà thực hiện trên mảnh đất Cửa Lò thân thương này.
"Danh thơm Ngài chúng con xin truyền tụng
Từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Nguyện từ nay nối tiếp nghĩa khí,
Dệt thêm dòng lịch sử mỹ lệ của Tiền Nhân”.

                                                                                           HĐ Mục vụ giáo xứ

ĐGH Bênêđictô XVI cầu chúc Năm Mới Âm lịch

Monday, January 30, 2012


WHĐ (23.01.2012, Mồng Một Tết Nhâm Thìn) / ZENIT.org – Sau buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày giáp Tết Âm lịch, Chúa nhật 22-01-2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã chúc các dân tộc phương Đông đang chuẩn bị mừng Năm Mới một năm hạnh phúc:

ĐGH Bênêđictô XVI cầu chúc Năm Mới Âm lịch
ĐGH Bênêđictô XVI cầu chúc Năm Mới Âm lịch
“Trong tình hình khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện nay của thế giới, tôi cầu chúc năm mới sẽ là năm mang dấu ấn cụ thể của công lý và hòa bình đối với tất cả các dân tộc phương Đông. Cầu chúc năm mới đem lại ủi an cho tất cả những ai đang đau khổ. Cầu chúc các người trẻ cách riêng, với sự nhiệt tình và lòng khát khao lý tưởng của họ, sẽ đem lại cho thế giới một niềm hy vọng mới”.

NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA HÔN NHÂN DO ẢNH HƯỞNG VĂN MINH VÀ TIẾN BỘ KHOA HỌC HIỆN ĐẠI


Trần Mỹ Duyệt

Trong Đại Hội về Gia Đình của Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, Texas vào đầu tháng 2 vừa qua, tôi được mời nói về một đề tài mà theo tôi rất gần gũi, nhưng cũng rất cần thiết cho đời sống hôn nhân của các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ. Đó là “Những thách đố của hôn nhân do ảnh hưởng văn minh và tiến bộ khoa học hiện đại”.

QUAN NIỆM VÀ SUY TƯ MỚI
Trước hết, nền tảng gia đình ngày nay đang phải đối diện với những thách đố đến từ những quan niệm và suy tư đổi mới của con người thời đại. Hai luồng tư tưởng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với tương quan vợ chồng, đó là quan niệm bình quyền và cá nhân chủ nghĩa.
 1-Bình quyền:
Bình quền là một từ ngữ mà chúng ta thường xuyên nghe thấy trong mọi sinh hoạt, đặc biệt là những sinh hoạt có tính cách xã hội. Tại các nước văn minh tiên tiến, bình quyền còn được đề cao như một hình thức đạo đức xã hội. Đi đâu và ở đâu cũng “ưu tiên cho phụ nữ” - “lady first”.
Bình quyền theo quan niệm nhiều người, cách riêng là nữ giới, có nghĩa là “như nhau” hoặc “giống nhau”. Đàn ông cũng như đàn bà. Trai cũng như gái. Cái gì anh làm được, tôi cũng làm được. Ở một nghĩa tuyệt đối, tôi phải như anh, và anh cũng như tôi. Và với quan niệm, lý luận này, sự khác biệt nam nữ, vai trò chuyên biệt trong đời sống cũng như sinh hoạt xã hội trở thành đảo lộn, mất trật tự.
Bình quyền, do đó, không đồng nghĩa với giống nhau. Anh là anh, tôi là tôi. Đàn ông là đàn ông, và đàn bà là đàn bà. Mỗi người, mỗi phái tính đều có những giá trị và chức năng riêng. Sự khác biệt này không những cần thiết mà còn hữu ích cho cuộc sống cá nhân, gia đình, cũng như xã hội. Vì thế, bình quyền phải được hiểu như sự tương xứng, và ngang hàng. Những bông hoa khác nhau với những hương thơm và màu sắc khác nhau được trồng chung trong một khu vườn. Chúng lớn lên tự nhiên bên nhau trong khu vườn, và đem lại vẻ đẹp đa dạng với những giá trị riêng của chúng.
Trong đời sống hôn nhân, giá trị đồng đều và tương xứng ấy là vai trò và phạm vi của người chồng cũng như của người vợ. Bình quyền trong hôn nhân là một lối diễn tả thái độ sống tôn trọng, yêu thương và tương kính nhau trên căn bản và giá trị của một con người; một cách đặc biệt, người đó là người mình thương, mình yêu, và thương mình, yêu mình. Từ quan niệm bình quyền ấy đưa đến việc san sẻ, và cộng tác với nhau. Vợ chồng khích lệ và giúp nhau làm tròn bổn phận và chức năng mỗi người. Lấy hạnh phúc của người mình yêu là hạnh phúc chính mình. Cảm thông được nỗi đau và nỗi khổ của người mình yêu như của chính mình.
 
2-Cá nhân chủ nghĩa:
Nếu lấy tôi làm bản vị và đơn vị duy nhất, thì cá nhân chủ nghĩa đồng nghĩa với độc tôn. Trong tương quan xã hội, tôi lo tìm và thỏa mãn cái tôi của tôi, và tôi là nhất, ngoài ra không còn ai khác.
Vì đề cao cái tôi, nên chính khi đi tìm thỏa mãn cái tôi của mình, tôi đã vô tình hay hữu ý làm mờ nhạt hoặc lấn lướt cái tôi của người khác. Điều này làm nảy sinh sự bất công trong xã hội, châm ngòi cho những đấu tranh, tệ đoan xã hội. Quan niệm và sống như tôi là nhất, còn dẫn đến lối sống ích kỷ và tìm mình.
Trong hôn nhân, quan niệm và lối sống này sẽ thúc đẩy người chồng cũng như người vợ lo tìm kiếm và thỏa mãn riêng mình, tạo nên cảnh: “Chồng ăn chả, vợ ăn nem.” Nó cũng sẽ dựng lên một bức tường phòng thủ kiên cố được tự ái bao bọc, khiến dù là chồng hay vợ cũng không thể xâm nhập được. Một cuộc sống mà hễ cái tôi bị va chạm liền nảy sinh vấn đề, cãi vã, khó chịu, hoặc kình chống nhau. Nó hoàn toàn phá vỡ hình ảnh của hôn nhân là sự kết hợp yêu thương giữa hai vợ chồng.
NIỀM TIN LUNG LAY
Nhân loại ngày nay, hơn bao giờ hết đang gặp nhiều thách đố về niềm tin. Nhân danh những tiến bộ của khoa học và nhân danh tự do, con người như đang đuổi Thượng Đế ra khỏi cuộc đời mình, và cuộc sống xã hội. Kết quả của sự sa sút niềm tin này làm cho con người mất định hướng, mất ý nghĩa, và mất đi giá trị cuộc đời, khiến cuộc sống ngày càng trở nên vô vọng, mất đi ý nghĩa của nó. 
 
Vì để lạc mất niềm tin, hay không còn tin vào những giá trị thiêng liêng, phần đông các tín hữu Công Giáo ngày nay đã coi Bí Tích Hôn Phối như một ràng buộc có tính cách pháp lý. Việc cử hành Bí Tích Hôn Phối chỉ là một nghi thức mang màu sắc tôn giáo. Quan niệm này dẫn đến kết quả cho rằng hôn nhân là một việc làm có thể thay thế được khi con người cảm thấy cần có sự thay đổi. Nó được trả lời bằng phong trào ly dị như hiện nay, và đã phá vỡ hơn 50% các cuộc hôn nhân.
Tuy nhiên, hôn nhân Công Giáo lại không phải là một khế ước, hay một nghi thức được cử hành ở thánh đường. Nó là một giao ước bất khả phân ly giữa người chồng và người vợ: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly” (Mac 10:9). Giao ước này được cử hành long trọng bởi hai người trước sự chứng kiến của đại diện Giáo Hội, thân bằng quyến thuộc, và bạn hữu.

MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI
Con người ai cũng mang trong mình ít nhiều xã hội tính. Sự thay đổi về kinh tế ngày nay đã đẩy con người ra ngoài sinh hoạt của gia đình, thử thách lòng tin tưởng và thủy chung của nhiều người. Đặc biệt nhất của môi trường xã hội là sở làm nơi mà ít nhất mỗi ngày chúng ta cũng phải để ra 8 tiếng, hoặc nhiều hơn có thể lên đến 10, 12, hoặc 16 tiếng.
Từ môi trường sở làm mà nhiều người đã tìm được chồng hoặc vợ tương lai của họ. Ngược lại, cũng từ sở làm mà nhiều người đã mất chồng hoặc mất vợ. Vì cũng chính ở đây phát sinh những tình cảm đe dọa sự chung thủy của vợ chồng:
 1-Tình cảm bất chính:
Không ai từ chối tình cảm tốt đem đến sự cộng tác và giúp đỡ trong công việc thường ngày. Tại sở làm có những công việc làm riêng, và cũng có nhiều công việc đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người.
Thời gian dài gặp gỡ, cộng tác và trao đổi tại sở làm hay hãng xưởng đã làm nẩy sinh tình cảm đối với nhau: tình cảm ngay lành và tình cảm bất chính. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Đó là nhận xét của cha ông chúng ta trong những giao tiếp thường xuyên giữa nam và nữ. 

Tại những nơi ấy, tình cảm phát xuất trước hết do quan hệ người trên và người dưới. Người chỉ huy và người thừa hành. Tiếp đến là giữa những anh chị em cùng một ngành nghề. Đặc biệt, giữa những người điều hành và người thừa hành là nam và nữ. Bạn bè cùng ngành nghề là nam và nữ.
Cũng tại nơi này, những chuyến công tác xa nhà do các hãng xưởng gửi đi, trong đó phải kể đến những chuyến công tác có cả nam và nữ hoặc chỉ riêng một nam và một nữ.
Môi trường sở làm, trong rất nhiều trường hợp đã trở thành thử thách lớn cho sự chung thủy, nhất là khi người vợ bước vào thời kỳ hồi xuân trung bình từ 40 đến 50 tuổi. Cái tuổi rất khó khăn cho nữ giới cũng như nam giới trong lãnh vực tâm lý và tình cảm.
 2-So sánh hơn thua:
Do hàng ngày tiếp xúc với người này, người khác trong sở làm, qua những mối giao tiếp xã hội nẩy sinh những so sánh hơn thua giữa chồng mình với chồng người khác, giữa vợ mình với vợ người khác.
Sự so sánh ấy đặt trên những căn bản như ngành nghề, bằng cấp, kiến thức, và lương bổng. Thông thường, người chồng mà có học lực thấp hơn vợ, có ngành nghề dưới tay vợ, và có mức lương thua kém vợ là những lý do dễ đưa đến những mặc cảm tự ty hoặc tự tôn. Một người bạn đã có lần tâm sự với người viết:
Anh không thể nào tưởng tượng được nỗi đau của tôi khi vợ tôi nói với tôi trong thời gian tôi đang vật lộn đi tìm việc làm: “Học cho lắm rồi cũng ở nhà ăn lương vợ. Ngày mai vào sở làm tôi cho một chức thứ ký cho tôi!”
Sự đau đớn này, có thể gây ra tâm bệnh nếu nó bị dằn vặt và được tái tục mỗi ngày. Nhẹ nhất trong những trường hợp như vậy, người chồng sẽ cảm thấy lép vế, sẽ mất tự tin. Hậu quả sẽ dẫn đến những lời nói và hành động tiêu cực như những lời nói bất nhã, thiếu kính trọng, bẳn gắt, tức bực; đặc biệt nhất là hành động ghen tương vô cớ. Đó là những dấu hiện khởi đầu dẫn đến triệu chứng thiếu tự tin. Khả năng điều hành gia đình vì vậy bị ảnh hưởng và dẫn đến những bất ổn trong gia đình.
Ngược lại, người vợ có thể mang những mặc cảm tự tôn và cho mình không cần thiết phải vâng lời, hoặc kính trọng một người chồng thua kém mình về nhiều mặt. Tình yêu của phụ nữ thường đến từ sự ngưỡng phục: “Gái tham tài, trai tham sắc”. Và khi sự nể phục không còn nữa, lúc đó ngọn lửa tình yêu cũng bắt đầu lịm tắt.
Chồng cũng như vợ không biết mình cần gì và muốn gì giữa những tình huống như vậy? Không biết hành xử như thế nào để quân bình tình cảm, tình yêu, và trách nhiệm.
TIỆN NGHI CỦA TIẾN BỘ
Ngày nay trong hầu hết các gia đình đều có chiếc computer. Người nào cũng có một chiếc xe, và mỗi người kể cả con cái đều cũng có một chiếc điện thoại di động.    
Pascal đã nói: “Khoa học tinh thông làm ta gần Chúa. Khoa học nông cạn làm ta xa Chúa.” Áp dụng vào những tiến bộ của khoa học trong đời sống vợ chồng, điều này có thể hiểu rằng, lạm dụng những tiện nghi của đời sống sẽ đưa đến những khủng hoảng lớn lao trong tương quan vợ chồng. Biết lợi dụng những tiến bộ của khoa học sẽ giúp đời sống vợ chồng tươi thắm hơn, hạnh phúc hơn.
Làm sao có thể kiểm chứng được chồng hay vợ đi đâu, làm gì trong những thời gian sau sở làm. Xã giao? Gặp gỡ bạn bè? Trao đổi nghề nghiệp? Thật ra, chỉ có Chúa biết và người đó biết mà thôi. Và nếu không tin tưởng, thành thật với nhau thì đây là những bước đầu đưa đến đổ vỡ.
Làm sao có thể biết chồng hay vợ đang xem gì, đọc gì trên internet, và email ở phòng bên. Không lẽ lại không tin chồng hoặc tin vợ khi họ sử dụng computer? Không lẽ lại không tin chồng mình, vợ mình đang nói chuyện tốt với bạn bè trên email? Hoặc đang tìm kiếm những thông tin, kiến thức cần cho nghề nghiệp trên các trang nhà? Có nhiều lý lẽ để biện minh hành động chính đáng của mỗi người. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp đã chứng minh sự lạm dụng này đem đến đổ vỡ tình cảm, tình yêu của nhiều vợ chồng.
  • “Ông lo ôm nó mà không ôm tôi, tôi sẽ đi ôm người khác!”
Hoặc:
  • “Bà cứ ôm cứng nó mà không ôm tôi, tôi sẽ phá nát cái gia đình này cho mà biết!”
Những câu nói thường xuyên mà nhiều người vẫn thường nói hoặc nghe nói về những lạm dụng computer, email, internet này đã trở thành sự thật chua chát đối với nhiều gia đình khi mà người chồng hoặc người vợ đã không ý thức hoặc kìm hãm được đa mê của mình trong việc sử dụng những tiến bộ của khoa học.
Một cách tương tự, làm sao có thể kiểm chứng được những cú phôn mà chỉ người chồng hay người vợ biết?
  • “Thôi nha em. Anh đang về gần đến nhà rồi. Ngưng đi, mai mình nói tiếp…?”
Hay:
  • “Gần đây có ai gọi về nhà này mà hễ nghe tiếng tôi thì lại ngưng không nói nữa?”
Làm sao có thể biết và kiểm soát được những cú phôn đưa đến sự nghi ngờ? Những cú phôn đưa đến những hành vi bất trung và phản bội?!!
TRỊ LIỆU
Câu hỏi được đặt ra mà nhiều người muốn có câu trả lời, đó là phải làm gì để giữ được hạnh phúc hôn nhân giữa trăm ngàn cám dỗ, gọi mời đang xảy ra quanh ta giữa một thời đại với những tiến bộ vượt bực của tư tưởng và khoa học?
 1-Thông cảm nhau:
Dù là vợ hay chồng mỗi người đều có một con tim và một khối óc, và vì thế, tuy là vợ chồng nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm nghiệm khác nhau. Đa số những cuộc cãi vã, chửi bới nhau, hoặc xích mích, bất bình giữa vợ chồng đều đến từ nguyên nhân này: Đó là sự thiếu thông cảm và hiểu biết nhau. Nói một cách dễ hiểu là hiểu lầm nhau.
Khi phủ nhận tình cảm và chủ ý tốt của người mình yêu, là ta đã hành động một cách hết sức tiêu cực, thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, khi người chồng hoặc người vợ càng yêu ta nhiều, càng quan tâm đến ta nhiều mà chỉ nhận lại sự nghi ngờ, hoặc những lời bình luận tiêu cực, thì đau khổ đó sẽ càng tăng gấp bội.
Tuy nhiên, những bất bình, xung khắc và tranh cãi giữa vợ chồng là những gì có thể tránh hoặc khắc phục được. Do đó, vợ chồng phải có giờ ngồi với nhau với thái độ lắng nghe và chia sẻ. Ngồi với nhau như lúc mới quen biết. Nói với nhau như thuở mới gặp nhau. Chỉ khi nào ta mở rộng lòng mình lắng nghe với thái độ kính trọng và yêu thương, lúc ấy ta mới khám phá ra tình yêu mà chồng hay vợ mình dành cho mình; mới hiểu rằng, phê phán, trách móc, hoặc nghi ngờ là những hành động tội lỗi, hết sức xấu xa và nguy hiểm.
Tâm lý hôn nhân gia đình cho việc vợ chồng lắng nghe và nói với nhau cách thành thật, tôn trọng là một phương pháp trị liệu tốt nhất, hữu hiệu nhất trong việc hàn gắn và hóa giải những xung khắc trong gia đình.
 2-Dành thời giờ cho nhau:
Có bao giờ bạn nghĩ rằng nụ hôn này, buổi tối hôm nay là nụ hôn và buổi tối sau cùng của bạn đối với chồng hoặc vợ của bạn không? Và nếu như được báo cho biết đây là lần gặp gỡ sau cùng của hai người thì bạn sẽ làm gì trong buổi tối hôm nay?
Có nhiều người vợ hay người chồng đã tỏ ra hết sức hối hận vì đã để vuột mất cơ hội bày tỏ tình yêu đối với vợ hay chồng mình lần cuối. Càng hối hận hơn nữa, khi người vợ hoặc chồng đã chết lúc đó mới khám phá ra cái hay, cái tốt, và nhất là những hy sinh cao cả mà người ấy dành cho mình. Trong thực tế, những hối hận này không thiếu. Nhưng con người hầu như đều có cùng một căn bệnh, đó là chỉ biết hối tiếc khi cái mình có đã mất. Ngược lại, không hề trân quí và coi trọng cái mình đang có trong tầm tay.
Đi vào thực tế, bạn dành cho chồng hay vợ bạn bao nhiều phút, bao nhiêu giờ mỗi ngày? Tôi muốn nói đến những giờ phút mà cả hai đều có thể cười được với nhau, nói được một lời nói yêu thương, hoặc trao cho nhau một nụ hôn, một ánh mắt thân thương. Bạn sẽ trả lời, tôi bận quá không có giờ. Tôi mệt mỏi quá không muốn làm chuyện ấy.
Vậy bạn mệt mỏi vì ai? Và bạn bận rộn vì ai? Vì hạnh phúc gia đình, vì hạnh phúc con cái, và vì hạnh phúc của nhau? Vậy nếu bạn đã có tất cả những bận rộn ấy mà lại không vì tình yêu, không thăng hoa được tình yêu thì những bận rộn kia sẽ chỉ là vô nghĩa. Hy sinh không vì tình yêu là hy sinh vô nghĩa. Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu hời hợt và giả dối.
Đừng để đến sinh nhật, ngày kỷ niệm thành hôn, hoặc một biến cố lớn mới tặng vợ mình hay chồng mình một bó hoa, một cánh thiệp, hoặc một nụ hôn vội vàng, nhạt nhẽo. Hãy làm những việc ấy mỗi ngày trong khi bạn có thể làm được.
 3- Sự giúp đỡ chuyên nghiệp: 
Nếu những cố gắng giữa hai vợ chồng không đem lại cảm thông, và không tạo điều kiện để hai người ngồi lại với nhau, thì đã đến lúc cả hai cần phải tìm sự hướng dẫn và giúp đỡ chuyên nghiệp. Hãy đến với một văn phòng bác sỹ tâm lý, hoặc gặp gỡ một vị hướng dẫn tâm linh. Bằng một cái nhìn chuyên môn và thực tế, các bạn sẽ được giúp đỡ để hàn gắn, và để có thể ngồi lại với nhau.
Thống kê cho biết, khi cả hai mặc dù tự mình không giải quyết vấn đề của mình được, nhưng muốn có một sự giúp đỡ khách quan và chuyên môn thường đem lại những kết quả tốt. Đặc biệt, ở những người có trình độ học vấn, và trẻ tuổi. Tuy nhiên, nên tránh những giúp đỡ chỉ dựa trên mê tín, dị đoan phù phiếm, vì nó chỉ thỏa mãn được cảm tình tiêu cực mà không giải quyết tận gốc rễ của những vấn đề giữa hai vợ chồng. Ngoài ra, nó còn tạo nên những nghi ngờ, lo lắng, và sợ hãi.

4- Cầu nguyện:
Đề nghị cầu nguyện để hóa giải những bất bình, tranh cãi và hiểu lầm giữa vợ chồng, là một đề nghị khách quan và hết sức quan trọng. Đề nghị này phát xuất từ Thánh Kinh.
Thánh Kinh kể rằng giữa tiệc cưới hôm đó tại Cana, tự nhiên hết rượu. May mắn cho đôi tân hôn, trong những khách được mời có Mẹ Maria và Chúa Giêsu, và nhờ đó mọi việc đã được giải quyết một cách tốt đẹp.
Thánh Kinh còn ghi rõ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ nướclã hóa thành rượu ngon, và là phép lạ đầu tiên mở màn cho hành trình loan báo Tin Mừng của Ngài do lời cầu xin của Mẹ Maria. Điều này chứng tỏ sự quan trọng của cầu nguyện, và sự hiện diện của Thánh Gia trong hạnh phúc hôn nhân.
Đi vào thực hành, mỗi sáng trước khi bắt đầu một ngày mới, vợ chồng cùng nhau dành ít phút cám ơn Chúa vì giấc ngủ ngon, và còn có nhau trong đời. Trong đêm hôm qua đã có bao nhiêu người chết, bao biến động xảy ra trên trên thế giới, nhưng bạn và gia đình bạn vẫn được bằng an. Cầu xin Ngài tăng thêm nghị lực và mọi điều may lành cho một ngày mới. Mỗi tối cũng dành ít phút ngồi lại với nhau, cảm ơn Chúa Mẹ về muôn ơn lành trong một ngày. Cảm ơn nhau về những việc tốt vợ chồng làm cho nhau và vì nhau. Đồng thời cũng xin lỗi Chúa Mẹ, xin lỗi nhau về những chuyện lầm lỡ đã gây cho nhau ban ngày.
Cầu nguyện như vậy chính là châm thêm dầu vào chiếc đèn tình yêu, và rượu yêu thương vào bầu rượu hạnh phúc của vợ chồng. Kết quả khảo cứu cho biết các đôi vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau sẽ giảm thiểu 14% con số ly dị so với các đôi vợ chồng không cầu nguyện.
14% con số không phải là nhỏ, và biết đâu vợ chồng bạn lại chẳng nằm trong con số may mắn ấy.
Nguồn tin: ubmvgiadinh.org

BẠO HÀNH TRONG HÔN NHÂN CĂN BỆNH MÃN TÍNH CỦA XÃ HỘI


Trần Mỹ Duyệt

Thỉnh thoảng báo chí, truyền thanh, truyền hình hoặc internet loan tin chị này cầm dao cắt đứt dương vật chồng ném vào thùng rác, ném xuống sông, bỏ vào máy xay. Anh kia dùng giao hăm dọa vợ, hay dùng súng bắn chết vợ con rồi quay lại tự sát. Hoặc chồng đánh vợ ngất xỉu phải vào nhà thương… Khi nghe, xem hoặc đọc những tin như vậy chúng ta thường cảm thấy xót thương cho các nạn nhân, và nguyền rủa những kẻ vũ phu, những người có tâm địa độc ác. Nhưng những lần vợ chồng đánh chửi nhau, gây thương tích cho nhau mà giấu diếm, hoặc phải âm thầm chịu đựng thì thường ngày vẫn xẩy ra như cơm bữa, và trong nhiều trường hợp chính mình lại là nạn nhân.    
Đúng vậy, chuyện bạo hành trong hôn nhân là một chuyện dài không có hồi kết thúc. Nó không chỉ xẩy ra ở Hoa Kỳ mà xẩy ra mọi nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi mà dân trí thấp kém, trình độ văn hóa chưa được khai phóng. Nơi mà những cổ tục và tập quán còn man khai. Những nơi đó việc vợ bị chồng đánh đập, chà đạp nhân phẩm, hoặc việc vợ tru trếu, chửi bới, cào cấu chồng là chuyện thường ngày xẩy ra. Hành động này phát xuất từ nhiều nguyên nhân trong đó bao gồm văn hóa, xã hội, giáo dục, kinh tế, và đạo đức. Ngoài ra, tâm lý cũng là một nguyên nhân chính trong những nguyên nhân vừa kể. Vậy chúng ta phải nhìn bạo hành trong hôn nhân dưới cái nhìn tâm lý như thế nào? Và đâu là những phương pháp trị liệu cho hội chứng tâm bệnh này.

ĐẠI CƯƠNG VỀ BẠO HÀNH HÔN NHÂN
Khi đề cập đến bạo hành trong hôn nhân là nói đến những va chạm và hành động gây thương tổn về thể lý, tâm lý, và tâm linh giữa hai người trong cuộc. Giữa vợ và chồng. Sau đây là một số những hình thức bạo hành thông thường:

Bạo hành thể lý:
Là những hành động bao gồm đánh, đập, xiềng, xích, đấm, đá, cào, cấu, cắn, xé, đâm, chém, hoặc bắn bằng súng…
Là những lần bỏ đói, khát không cho ăn, uống. Đau ốm không lo thuốc men. Không đưa đến bệnh viện.
Những hành động này phần lớn gây đau đớn thể xác, đôi khi gây bệnh tật, thương tích, hoặc chết người.


Bạo hành tâm lý:
Là  những thái độ lạnh nhạt, thờ ơ, bỏ rơi, kình chống, thiếu cộng tác.  Là những cấm đoán chủ quan. Những hành vi theo dõi, dò xét, nghe lén. Những hành động ghen tương, giận hờn không tha thứ cho nhau.
Là những khủng bố về mặt đạo đức, như cấm không được đọc kinh, cầu nguyện, tham dự các nghi lễ tôn giáo…
Cũng như những hành động bạo hành thể xác, những bạo hành tâm lý để lại trong người nạn nhân những dồn nén, uất ức, tủi nhục, đau đớn có khi trở thành tâm bệnh. Những bệnh tật thể xác như nhức đầu, táo bón, mất ngủ, cao áp huyết, hoặc đột quỵ.


Bạo hành ngôn ngữ:
Những lời nói khích bác, chọc ghẹo, nhục mạ, dọa nạt, la hét, chửi bới. Những lời nói vu khống. Những lời nói làm đau đớn, tủi nhục, coi thường và làm hạ phẩm giá của nhau.  
  
Bạo hành sinh lý:
Là những hành động vũ phu, cưỡng ép, cưỡng chiếm nhằm thỏa mãn dục vọng mà từ ngữ chuyên môn gọi là bạo dâm, cuồng dâm. Những đòi hỏi nhằm thỏa mãn thú tính trong những hoàn cảnh nạn nhân mệt mã, đau yếu, hoặc bệnh tật. Hoặc ngược lại, những dồn nén sinh lý do việc luôn luôn bị từ chối hàng tuần, hàng tháng, hoặc hàng năm.  
Bạo hành sinh lý có thể đưa đến nhiều chứng bệnh về cơ thể, cũng như tâm lý và tâm thần. Thông thường nhất là hội chứng lãnh cảm, bất lực, liệt dương... Với cái nhìn phân tâm học, việc thiếu dung hòa sinh lý còn có thể đưa đến tâm bệnh.
 
Bạo hành kinh tế:
Là lường gạt, gian dối hầu chiếm đoạt tài sản, gia tài của nhau. Keo kiệt, hà tiện trong chi tiêu khiến cho cuộc sống trở nên thiếu thốn và gò bó. Hoặc ngược lại, xài phí, cờ bạc, nghiện ngập…gây khủng hoảng cho kinh tế gia đình.
  
VÒNG TRÒN LUẨN QUẨN
Thông thường khi có những hành động bạo hành xẩy ra dưới hình thức này hay hình thức khác, người chủ động cũng như nạn nhân bao giờ cũng lo tránh né, bào chữa. Phần vì sợ mất mặt với gia đình, bà con, bạn bè. Phần vì muốn hành xử theo cảm tính, nín nhịn cho xong. “Nói ra xấu thiếp, hổ chàng”.
Người có hành động vũ phu nếu như không trấn át được nạn nhân thì sẽ dùng khổ nhục kế, xuống nước năn nỉ. Thề độc, nào là xe cán, sét đánh, cọp tha, sấu ăn, hay cá mập phanh thây… Đứng trước những thái độ ấy, và với cái quyết tâm giả dối ấy, nạn nhân nặng về tình cảm, nhẹ dạ, sẽ dễ dàng tha thứ.  Nhưng rồi sau khi mặn nồng, êm ấm trở lại được vài hôm, vài tuần, có khi vài tháng, chứng nào tật nấy, và cái vòng luẩn quẩn sẽ tái diễn: Phạm lỗi, xin lỗi, tha lỗi, và tái phạm.


Phạm lỗi:
Người bạo hành sẽ dùng thủ đoạn, tình cảm, sức mạnh hoặc áp đặt để xúc phạm đến nạn nhân với lý luận là người vợ sẽ chẳng thể nào bỏ mình đâu. Hoặc người chồng sẽ chẳng làm gì được mình đâu. Bỏ mình là chết đói, bỏ mình là mất mặt, là tan nát sự nghiệp… Họ cũng dùng con cái, thể diện và thanh danh gia đình, đạo đức xã hội và tôn giáo để gây đau khổ, chết chóc cho chồng hoặc cho vợ dưới các hình thức thể lý, tâm lý, ngôn ngữ, sinh lý, và kinh tế.  

Xin lỗi:
Người bạo hành sau khi làm lỗi nếu không thể lấn át hoặc che đậy hành động của mình sẽ xuống nước năn nỉ, xin lỗi.
Họ lợi dụng các yếu điểm của nạn nhân như nặng về tình cảm, nặng về xác thịt, nặng về con cái, quá đề cao thể diện, nhẹ dạ, hoặc đạo đức tình cảm để đánh vào những yếu điểm ấy.
Như trên vừa trình bày, sẽ có những màn năn nỉ rất thiết tha, rất chân thành khiến nạn nhân mủi lòng. Chỉ một lần này thôi. Mở cửa nhà. Mở cửa phòng. Mở cửa lòng. Và kẻ có tội lại từ từ đột nhập.


Tha lỗi:
Sau những màn năn nỉ, than van, thề hứa, nạn nhân bỗng mủi lòng xót thương, độ lượng và tha thứ. Rồi màn tha lỗi, làm hòa lại xẩy ra. Sau những giây phút làm hòa thường là những giây phút ân ái mặn nồng trở lại. Đem nhau đi ăn nhà hàng. Sánh vai bên nhau đi nhà thờ, đi chùa. Rủ nhau đi xi nê, đi mua sắm. Hạnh phúc lại về. Nhưng một cái nhưng bất ngờ.

Tái phạm:
Vì không thật lòng, không muốn chừa và vì chỉ muốn lợi dụng lòng tốt, sự tha thứ của người phối ngẫu, hành động bạo hành lại xẩy ra, và thông thường cũng vẫn là những hành động mà họ đã làm cho nạn nhân đau khổ trước đó. 
Cái vòng luẩn quẩn trên là một cái vòng không có lối thoát cho những kẻ lưu manh, hoặc những nạn nhân nhẹ dạ.


NGUYÊN NHÂN
Đâu là nguyên nhân của những hành động bạo hành? Có nhiều nguyên nhân, nhưng sau đây là một vài nguyên nhân xét về khía cạnh tâm lý: Yêu miễn cưỡng. Thiếu trưởng thành tâm lý.  

Yêu miễn cưỡng:
Đây là một lỗi lầm rất lớn cho những người nghĩ rằng “cứ lấy đi rồi sẽ yêu”. Hoặc cho rằng mình sẽ mang mặc cảm tội lỗi nếu không thương hại người nào đó đang theo đuổi và đau khổ vì mình. Lấy về sẽ ấm tấm thân. Lấy theo môn đăng hộ đối. Hoặc cứ thử đi, nếu không hợp thì bỏ.  
Lấy rồi sẽ yêu. Thương hại mà lấy. Hoặc lấy rồi không hợp thì bỏ. Đây là những nguyên nhân chính trong khía cạnh tâm lý đã gây nên không biết bao nhiêu cuộc tình đổ vỡ, không biết bao nhiêu là nước mắt, và tủi hận cho nhiều đôi tình nhân. Tâm lý bỏ thì thương, vương thì tội ấy chính là lý nguyên nhân của bạo hành.
Ở điểm này cũng cần phải kết luận rằng, cha mẹ dùng quyền cưỡng ép con cái trong vấn đề hôn nhân là một trọng tội. Người dùng quyền lực, tiền bạc, và bất cứ hình thức mua chuộc nào để chiếm đọat thân xác, hay cuộc đời người khác ngòai sự tự nguyện yêu thương của người ấy cũng phạm trọng tội. Bạn bè làm chứng gian, che dấu cho nhau để lường gạt tình yêu và tình cảm người khác cũng can dự vào những hành động tội lỗi đáng trách.
Tình yêu không thể lừa dối. Không thể mua chuộc. Và cũng không thể áp đảo, cưỡng ép.


Thiếu trưởng thành tâm lý:
Trong hôn nhân, yếu tố tâm lý cũng chiếm một địa vị rất lớn. Con người bao gồm ba cuộc sống tập hợp gồm thể lý, tâm lý và tâm linh. Cuộc sống tâm lý chính là gạch nối và dung hòa giữa thể lý và tâm linh. Chính vì thế, nhiều người dù có chức quyền cao. Dù học thức rộng. Dù nhiều tiền nhưng hành động, nói năng, và cư xử vẫn thiếu tự trọng, thiếu trưởng thành, và không được đời kính nể.   
Vụng về trong giao tiếp. Tự ty và mặc cảm trong cung cách xử thế. Không dễ hòa hợp và nhận thức thế nào là nên hay không nên. Không tự chủ đuợc bản thân, ham muốn nên thường hành động nông nổi, ích kỷ, theo bản năng, cố chấp, hoặc những đòi hỏi của đam mê.   
Với suy nghĩ, nói năng và hành động như thế không cho phép những kẻ bạo hành phân biệt và nhận ra sự khác biệt cần thiết và hữu ích trong cá tính của người phối ngẫu, những khả năng của nhau, và những điều kiện sống của nhau. Và kết quả là dẫn đến những hành động vũ phu, bạo hành.

· Thiếu tự tin: 
Đây là một trong những hội chứng tâm lý thường thấy xuất hiện trong cuộc sống. Trong gia đình hiện tượng này được che đậy bởi hình ảnh sợ. Sợ chồng. Sợ vợ. Sợ bị chồng bỏ. Sợ bị vợ bỏ. Sợ chồng giận, vợ giận. Sợ mất lòng. Sợ gia đình mất hạnh phúc.  
Những loại người này thiếu tự tin này đối với vợ con, hay chồng con thì lớn lối, hung hãn nhưng khi ra trước công chúng hoặc đối diện với quần chúng thì bẽn lẽn, rụt rè, co cụm, và tránh né.
Một hình thức thứ hai của cá tính và hội chứng thiếu tự tin này là họ đóng kịch đạo đức rất hay, đến nỗi người ngoài mới giao tiếp với họ lần đầu rất dễ ngộ nhận. Họ lịch sự, nhũn nhặn, nhẹ nhàng, và tỏ ra hào sảng. Nhưng mặt trái cuộc đời họ là những gì hoàn toàn tương phản.
Để tự che dấu và bào chữa sự yếu kém ấy, những người này không còn lối nào khác hơn là trút đổ lên đầu, lên cổ vợ hoặc chồng là những người mà họ nghĩ rằng họ có thể lợi dụng được.

· Tự tôn:
Nếu thiếu tự tin là một hội chứng tâm lý tiêu cực, thì tự tôn cũng là một trong những hội chứng tâm lý tương tự. Người chồng hoặc người vợ tự tôn luôn luôn cho mình là đúng. Luôn luôn muốn làm chủ. Luôn luôn muốn kiểm soát, khống chế vợ hoặc chồng mình. Họ luôn luôn muốn chồng hoặc vợ phải nể mình, phải phục mình, và không làm trái ý mình. Nhưng trong thực tế lại không có những yếu tố cần để người khác kính nể và mến chuộng.
Đối với những người mang tâm tính này không có chữ sai, chữ kém, hoặc chữ sửa đổi trong tự điển cuộc sống của họ. Bởi vì họ luôn luôn biết tất cả, ngoại trừ cái yếu điểm là họ không biết mình là ai và đang làm gì!

·  Thiếu đạo đức:
Khi trình bày về tâm lý đạo đức, Lawrence Kolberg đã đưa ra bảng xếp hạng trong đó có ba thước bậc, và mỗi thước bậc lại chia thành hai mức khác nhau.
Theo nhà tâm lý đạo đức này, thì bậc thứ nhất của trưởng thành đạo đức là biết sợ và tránh làm điều xấu để khỏi bị phạt.  Tiếp đến là biết thế nào là được khen và cố gắng làm điều tốt để được khen. Sau cùng là ý thức được những luật lệ cần thiết chung quanh cuộc sống xã hội, và tự đưa ra những chuẩn mực đạo đức cho cuộc sống.
Người bạo hành đã không chứng tỏ được sự trưởng thành này. Không những không ý thức được điều tốt, và đón nhận cũng như tự ra cho mình những chuẩn mực đạo đức tối thiểu, mà họ còn chưa hiểu nổi thế nào là những hành động xấu, không chấp nhận sự sửa phạt của lương tâm, của xã hội về hành động xấu xa của mình.

LÀM SAO TRỊ LIỆU
Vì bạo hành trong hôn nhân là một tâm bệnh, và nó sẽ tái đi, tái lại nên việc trị liệu của nó cần phải có những hướng dẫn rất thực tế, và chuyên môn.  Trong hoàn cảnh bạo động gia đình xẩy ra, có ít nhất những phương pháp sau đây cần áp dụng: Đối diện sự thật. Hãy thương lấy mình. Trị liệu chuyên nghiệp.

Đối diện với sự thật:
Người bạo hành phải nhận ra mình có hành động ấy. Ý thức được hành động bạo hành gây đau khổ cho vợ, cho chồng. Chỉ khi nào sự nhận thức này được xác nhận, và ý thức lúc ấy mới hy vọng chấp nhận trị liệu.
Đối với nạn nhân của bạo hành cũng phải đối diện với sự thật là không nên bao che, không nên nhẹ dạ và dễ dàng tha thứ, tin tưởng vào những lời hứa hẹn sửa đổi suông. Nên nhớ điều này hành động ấy sẽ được tiếp tục tái diễn, và vì thế, một là chấp nhận sửa đổi, hai là tìm cách trốn chạy. Không thể sống chung hòa bình với người có hành động bạo hành.
Bước đầu trị liệu, do đó, chính là sự ý thức của người hành động và của nạn nhân. Che đậy, viện dẫn lý do này khác chỉ là lẩn trốn thực tế.


Hãy thương lấy mình:
Bước tiếp của hành động trị liệu đó là mỗi người phải nhận ra rằng mình cần phải thương lấy mình trước. Hãy thương lấy mình bằng cách tránh xa những cám dỗ, những lý do có thể gây nên những hành động bạo hành. Thương lấy mình là sống trưởng thành với cuộc sống và suy tư của mình.
Đối với nạn nhân của bạo hành, việc thương lấy mình là phải nghĩ đến mình, đến con cái mình. Nguyên tắc “Fight or Fly” là một nguyên tắc tâm lý rất hữu hiệu. Nếu nghĩ rằng mình có khả năng chinh phục, có sức chịu đựng và tha thứ mãi hành động bạo hành ấy thì cứ việc chịu đựng. Bằng nếu nghĩ rằng mình không có khả năng chịu đựng, không sống hạnh phúc được với người chồng, người vợ bạo hành thì con đường tốt nhất là xa khỏi con người ấy.
Thỉnh thoảng ta thường thấy trên các đài phát thanh, truyền hình, báo chí hoặc internet  những quảng cáo có thầy nọ, thầy kia làm bùa, gọi hồn, trấn yểm để mang người yêu trở về. Hoặc những vấn kế như kê bàn ăn, làm nhà bếp, chuyển giường ngủ theo hướng nam, hướng bắc… thì gia đình sẽ có hòa khí, hạnh phúc, bằng an. Chỉ cần một chút lý trí và hiểu biết, chúng ta cũng thấy đây là những lời xảo trá, lường gạt những kẻ nhẹ dạ, thiếu tự tin và thiếu trưởng thành. Nếu chỉ cần chuyển cái bàn ăn, kê lại gường ngủ, hoặc đổi lại hướng nhà bếp thì làm gì cần đến các văn phòng luật sư, tòa án, nhà tù, hoặc các bệnh viện tâm thần cho những kẻ bắn vợ, cắt dương vật chồng. Hoặc những người đã đem cả gia tài, sự nghiệp nướng vào những sòng bài đen đỏ, những nghiệp ngập say sưa.
Tóm lại, muốn sống trưởng thành, sống hạnh phúc, và sống bình an với chính mình, với vợ với chồng thì điều cần biết nhất vẫn là tôi là ai? Và tôi như thế nào lúc này? Tôi cần phải thay đổi quan niệm, lối sống và hành động như thế nào cho phù hợp với hiện tại của mình.
Để biết thế nào là thương lấy mình, thì trước hết người chồng cũng như người vợ phải cố gắng sống bằng khả năng và ngành nghề của riêng mình. Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, cũng như đang khi sống trong đời sống ấy phải chứng tỏ cho chồng hoặc cho vợ rằng mình là người có lối sống và tinh thần tự lập, trách nhiệm. Không mang mặc cảm ăn bám, hoặc sống dựa. Không để chồng hoặc vợ khinh bỉ vì mình ươn lười hoặc thiếu thiện chí và cố gắng.  


Trị liệu chuyên nghiệp:
Tuy nhiên, như đã vừa trình bày, bạo hành có yếu tố của tâm lý bất ổn, nên việc trị liệu cần thiết phải có những giúp đỡ chuyên môn.
Như đã trình bày, hành động bạo hành bắt đầu với nhiều lý do chằng chịt từ thể lý đến tâm lý và tâm linh. Hành động này có thể phản ảnh những cảnh xào xáo ngay chính trong gia đình họ. Và họ cũng là những nạn nhân của hành động bạo hành trong gia đình khi còn nhỏ.
Cũng có thể, họ là nạn nhân của ảnh hưởng xã hội, sống trong bối cảnh chung quanh người ta cãi cọ, chửi bới, và bắt nạt lẫn nhau. Ảnh hưởng của bạn bè   bước vào con đường nhậu nhẹt, rượu chè, nghiện hút, cờ bạc. Cảnh người bắt nạt người, người làm khổ người đã ảnh hưởng đến tâm lý sống của những kẻ bạo hành. 
Tùy theo tầm nhìn, ảnh hưởng và quan niệm của mỗi cá nhân, mỗi trường hợp, trường hợp chữa trị chuyên nghiệp đây có thể là:

Sự can thiệp của cảnh sát, tòa án.
- Những lời khuyên của các vị lãnh đạo tinh thần, của những bậc trưởng thượng trong dòng họ, gia đình, cũng như bạn thân có tầm ảnh hưởng lớn.

- Sau cùng nhất là văn phòng các bác sỹ tâm lý, bác sỹ tâm thần.
Tóm lại, bạo hành là một hành động bệnh hoạn. Nó có nguồn gốc từ nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng đây không phải là căn bệnh không có thuốc chữa, chỉ có một điều là cả hai có muốn chữa hay không? Và có may mắn tìm đúng thầy, đúng thuốc hay không?!!! 


Tin Giáo Phận Vinh

TIN GIÁO HỘI

Hôn Nhân & Gia Đình

Hoạt Động Hội Đoàn

Tin Hạt Cửa Lò

 
HERDIANSYAH.NET
© Copyright Giáo Xứ Tân Lộc - Giáo Hạt Cửa Lò 2010 -2011 | Design by Herdiansyah Hamzah | Published by Borneo Templates | Powered by Blogger.com Chỉnh sử bởi Khát Vọng.